Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Giá cà phê robusta dự báo sẽ đạt 1.900 USD trong quý IV


Ngân hàng Commerzbank dự báo giá cà phê thế giới sẽ phục hồi vào cuối năm 2018, nhưng vẫn hạ dự báo giá cà phê arabica.

Commerzbank dự báo giá robusta vào quý IV trung bình đạt 1.900 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá hiện nay. Chốt phiên 20/2, giá robusta giao tháng 11 mới đang giao dịch ở 1.774 USD/tấn.
Giá cà phê robusta dự báo sẽ đạt 1.900 USD trong quý IV. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, với arabica, giá cà phê arabica trong quý IV năm nay dự báo đạt 1,4 USD/pound, thấp hơn 5 Uscent so với dự báo trước đó của ngân hàng này. Tuy nhiên so với mức giá chốt phiên 20/2 của hợp đồng giao tháng 12 là 1,288 USD/pound, thì mức giá này vẫn cao hơn nhiều.

Commerzbank dự đoán giá cà phê thế giới nhìn chung sẽ theo xu hướng phục hồi trong năm 2018 vì Hiệp hội Cà phê Quốc tế (ICO) dự đoán nguồn cung mặt hàng này sẽ bị thâm hụt nhẹ trong niên vụ 2017 – 2018.

“Theo ICO, từ sau hai niên vụ 2014 – 2015 và 2015 – 2016 liên tiếp thâm hụt nguồn cung, đến nay không còn nơi nào có lượng tồn kho cà phê lớn nữa,” Commerzbank cho hay. Một minh chứng rõ ràng nhất là xuất khẩu cà phê trong năm 2017 đã tăng trưởng chậm lại và bắt đầu giảm ngay trong những tháng đầu tiên của niên vụ 2017 – 2018.

Tuy nhiên, theo Commerzbank, giá cà phê cũng sẽ khó tăng mạnh bởi thị trường đang mặc định rằng vụ cà phê tới đây của Brazil sẽ bội thu. “Cùng với triển vọng khả quan tại Việt Nam và Trung Mỹ, niên vụ 2018 – 2019 rất có thể sẽ dư thừa cà phê.”

Trên thị trường đầu cơ, các quỹ vẫn đang giữ một lượng lớn vị thế bán đối với cà phê. Tuy nhiên, giới đầu cơ có thể sẽ tất toán các vị thế bán, đồng thời mua mạnh vào trong thời gian tới, nhất là khi thị trường đồn đoán sản lượng cà phê của Brazil có thể giảm trong năm 2019, năm mất mùa theo chu kỳ tại nước này.

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

Ngày quay số Vietlott vào 30 và mùng Một Tết sẽ đẩy xuống mùng Hai và mùng Ba Tết

Vietlott vừa thông báo về hoạt động bán vé và điều chỉnh lịch quay số mở thưởng dịp Tết Nguyên đán xuân Mậu Tuất 2018. Cụ thể, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán hoạt động bán vé tại điểm bán hàng vẫn diễn ra bình thường. Còn lịch quay số mở thưởng của các kỳ quay số trùng vào ngày 15/2 (ngày 30 tháng Chạp năm Đinh Dậu) và ngày 16/2 (ngày mùng Một Tết - mùng 1 tháng Giêng năm Mậu Tuất) được điều chỉnh đẩy lùi lại lần lượt sẽ diễn ra vào ngày mùng Hai và mùng Ba Tết (tức ngày 17 - 18/2).

Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2018, hoạt động bán vé Vietlott tại điểm bán hàng vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên lịch quay số ngày 30 và mùng Một Tết sẽ đẩy xuống ngày mùng Hai và mùng Ba Tết.

Ngày quay số Vietlott vào 30 và mùng Một Tết sẽ đẩy xuống mùng Hai và mùng Ba Tết

Trước đó, hệ thống bán hàng của Vietlott xác định, chiếc vé trúng giải jackpot trị giá hơn 75 tỷ đồng của xổ số Mega 6/45 vào ngày 26/1 được bán ra tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Chiếc vé mang dãy số 01 – 09 – 18 – 28 – 36 – 44 (các cặp số chỉ cần trùng với kết quả này, không cần theo đúng thứ tự đã nêu).
Vé trúng jackpot trị giá 75 tỷ đồng được bán ra tại Đồng Nai.
Cụ thể, chiếc vé của giải jackpot trong kỳ quay số lần thứ 238 của Mega 6/45 nói trên được bán ra tại điểm phát hành Vietlott ở số 100 khu phố 3B Trần Quốc Toản, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai (thuộc Đại lý Việt Thọ - Đồng Nai).

Đồng Nai cũng từng là thị trường phát hành được bốn vé trúng jackpot, đáng chú ý là cả bốn chiếc vé này cùng với chiếc vé trúng jackpot trị giá 75 tỷ đồng nói trên đều là loại hình xổ số Mega 6/45. Cụ thể, đó là vé trúng jackpot trị giá 10 tỷ đồng tại kỳ quay số mở thưởng lần thứ 98 vào ngày 5/3/2017; jackpot trị giá 112 tỷ đồng tại kỳ quay số mở thưởng thứ 186 ngày 27/9/2017; jackpot trị giá hơn 49 tỷ đồng tại kỳ quay số mở thưởng thứ 195 ngày 18/10/2017 và jackpot trị giá 20 tỷ đồng tại kỳ quay số thứ 207 ngày 15/11/2017.

Chính điểm bán hàng Vietlott ở số 100 khu phố 3B Trần Quốc Toản, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai (thuộc Đại lý Việt Thọ - Đồng Nai) cũng là lần thứ hai phát hành được vé trúng jackpot.

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Thuế giảm 0%, hàng ngàn xe gắn máy nhập khẩu về TP.HCM

Trên 15.000 chiếc xe gắn máy hai bánh đã được nhập khẩu về TP.HCM trong hơn tháng đầu năm 2018.

Theo nguồn tin của Báo Hải quan, từ đầu năm 2018 thuế suất thuế nhập khẩu xe gắn máy hai bánh có xuất xứ từ các nước ASEAN giảm từ 30% xuống còn 0%, nên mặt hàng này được nhập khẩu ồ ạt về cảng biển TP.HCM.
Xe máy nhập khẩu từ Indonesia

Trong vòng hơn một tháng (từ đầu năm 2018 đến ngày 10/2/2017) đã có 15.210 chiếc xe máy nhập khẩu về Việt Nam qua cảng Cát Lái. Trong đó có trên 14.000 chiếc được nhập khẩu từ các nước ASEAN có thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, phần lớn xe nhập khẩu có xuất xứ từ Indonesia, có dung tích xi lanh dưới 150 cm3 Do số xe gắn máy nhập khẩu ồ ạt vào trước thời điểm Tết Nguyên đán, nên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã nỗ lực làm thủ tục thông quan nhanh chóng để doanh nghiệp kịp đưa hàng ra thị trường tiêu thụ.



Nguồn: http://vietnambiz.vn/thue-giam-0-hang-ngan-xe-gan-may-nhap-khau-ve-tphcm-46066.html


Phiên cuối năm Đinh Dậu, khối ngoại bán ròng hơn 670 tỷ đồng trên cả ba sàn

Phiên giao dịch ngày 13/2, cả ba sàn đều có diễn biến tích cực với sắc xanh lan tỏa trên nhiều mã. Tuy vậy, khối ngoại bán ròng trên cả ba sàn hơn 670 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Đinh Dậu, VN-Index tăng 17,94 điểm (1,72%) lên 1.059,73 điểm, HNX-Index tăng 1,88% lên 124,31 điểm và UPCoM-Index tăng 1,83% lên 58,5 điểm. Nhiều nhóm ngành đóng góp tích cực trong phiên cuối năm Đinh Dậu này như ngân hàng, dầu khí, thép, hàng không, bất động sản và xây dựng.

Trên sàn HOSE có 227 mã tăng và 73 mã giảm. Khối ngoại bán ròng hơn 637,7 tỷ đồng, khối lượng bán ròng gần 16,9 triệu đơn vị.

Về phía top mua ròng, VIC dẫn đầu với hơn 28 tỷ đồng. Khối lượng mua ròng cũng xếp thứ nhất với gần 326.000 đơn vị. Các mã tiếp theo là SSI, AAA, BVH bán ròng lần lượt khoảng 8,3 tỷ, 7,6 tỷ và 3,4 tỷ đồng. Trong khi đó, các mã còn lại mua ròng dưới 2 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, ngoại trừ BMI giảm thì các mã còn lại đều tăng điểm. Riêng AAA tăng trần với thanh khoản tăng đột biến so với các phiên trước với gần 2,1 triệu đơn vị.
Top những cổ phiếu mua ròng nhiều nhất trên HOSE ngày 13/2

Về phía top bán ròng, HPG dẫn đầu với hơn 164,8 tỷ đồng. Kế đến là các mã HDB, VRE, VNM bán ròng lần lượt khoảng 140,5 tỷ, 105,7 tỷ và 50,7 tỷ đồng. Riêng HDB có khối lượng bán ròng cao nhất với hơn 3 triệu đơn vị.

Hai mã kế tiếp là VJC, VCB bán ròng khoảng 34,2 tỷ và 31,2 tỷ. Trong khi đó, các mã còn lại bán ròng dưới 18 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, cả 10 mã trong nhóm này đều tăng điểm. Riêng BMP tăng trần với thanh khoản tăng đột biến so với các phiên trước lên gần 1,4 triệu đơn vị.
Top những cổ phiếu bán ròng nhiều nhất trên HOSE ngày 13/2

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 33 tỷ đồng, khối lượng bán ròng gần 2,7 triệu đơn vị. Trong đó, SHB là mã bị bán ròng nhiều nhất với hơn 31,2 tỷ đồng. Kế đến là ARM với hơn 8 tỷ đồng. Hai mã MSB, VGC bán ròng lần lượt khoảng 1,9 tỷ và 1,8 tỷ đồng. Các mã còn lại bán ròng dưới 1 tỷ đồng.

Về phía top mua ròng, PVS dẫn đầu với gần 8,6 tỷ đồng. Kế đến là hai mã SHS, VMC lần lượt khoảng 2,6 tỷ và 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, các mã còn lại mua ròng dưới 500 triệu đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng gần 1,8 tỷ đồng. Trong đó, ACV dẫn đầu top bán ròng với gần 8,3 tỷ đồng. Ngược lại, QNS là mã được mua ròng nhiều nhất với hơn 8,3 tỷ đồng.

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

Nhiều sàn giao dịch tiền ảo mới ‘rậm rịch’ ra mắt tại Hàn Quốc

Chủ đề: https://goo.gl/8owgJ9

Một số sàn giao dịch tiền ảo sắp được thành lập mới tại Hàn Quốc dù chính phủ nước này vừa thắt chặt quy định với tiền ảo.

Mở sàn giao dịch tiền ảo bất chấp chính phủ siết quản lý

Một số sàn giao dịch tiền ảo mới đã và sắp được khai trương ở Hàn Quốc bất chấp chính phủ nước này vừa siết quy định quản lý tiền ảo và bản thân cũng không thể chấp nhận đặt cọc bằng tiền mặt, trang Bitcoin.com cho biết.
Nhiều sàn giao dịch tiền ảo mới ‘rậm rịch’ ra mắt tại Hàn Quốc (Ảnh minh họa)

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu, kể từ ngày 30/1, người chơi tiền ảo phải sử dụng tài khoản được đăng ký tại các ngân hàng thực ở nước này.

Hiện tại, 6 ngân hàng lớn tại Hàn Quốc đều có khả năng cung cấp các tài khoản tiền ảo. Tuy nhiên, những ngân hàng này chỉ nhận chuyển đổi (từ tài khoản ảo sang tài khoản thực) đối với những tài khoản đang giao dịch trên 4 sàn tiền ảo lớn, gồm Bithumb, Upbit, Coinone và Korbit. Theo trang The Investor, các ngân hàng này từ chối phát hành tài khoản thực (sử dụng tên thật của khách hàng) cho những sàn giao dịch tiền ảo khác vì lo ngại bất ổn và vấn đề an ninh.
Những cái tên mới ra đời

Một trong những sàn giao dịch tiền ảo mới ở Hàn Quốc có tên gọi là Zeniex, bắt đầu vận hành từ ngày 12/2. Zeniex cho biết kế hoạch khai trương bị hoãn tới một tháng so với kế hoạch ban đầu. Zeniex cho phép nhà đầu tư giao dịch bitcoin, bitcoin cash, ether, ethereum classic, litecoin, quantum, eos, bytom và 0x.

CEO của Zeniex, ông Choi Kyung-joon, cho biết: “Hiện tại, dù rất khó khăn để có thể cung cấp toàn bộ dịch vụ cho khách hàng vì vấn đề phát hành tài khoản thực, nhưng chúng tôi vẫn quyết định khai trương sàn giao dịch để phục vụ quý khách hàng, những người đã mất công chờ đợi chúng tôi.”

Một sàn giao dịch tiền ảo mới thành lập khác là Dexko. Dexko cho biết sàn giao dịch bắt đầu nhận đơn đăng ký trước của người dùng từ ngày 5 – 25/2 và đến ngày 15/3 sẽ chính thức ra mắt, trang The Investor cho biết.

Ban đầu, Dexko sẽ cho phép giao dịch 10 đồng tiền ảo, gồm bitcoin, ether, bitcoin cash, litecoin và ripple. Dexko sẽ miễn phí giao dịch trong một tháng đầu tiên đối với những người đăng ký trước.

“Chúng tôi đã làm việc rất vất vả để sửa lỗi và giảm thiểu bất tiện cho khách hàng bằng cách phân tích thận trọng cách hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo khác. Dexko hiện đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và hệ thống giao dịch, và sẽ sớm ra mắt công chúng,” CEO của Dexko, ông Kim Yong-ho, nói.

Ngoài ra, hai sàn giao dịch tiền ảo của Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc. Đầu tháng 2, Okcoin cho biết đã ký kết thỏa thuận đầu tư với công ty lập trình trò chơi NHN Entertainment Corp của Hàn Quốc.

“Theo thỏa thuận này, Okcoin sẽ là bên cung cấp hệ thống giao dịch và NHN sẽ vận hành một máy chủ nội bộ và phản hồi cho khách hàng,” trang Business Koreacho biết. Okcoin dự kiến sẽ giao dịch hơn 60 đồng tiền ảo.

Huobi cũng đang nhăm nhe vào thị trường Hàn Quốc ngay trong quý I/2018.

Trước khi chính phủ Trung Quốc cấm toàn bộ giao dịch tiền ảo vào năm 2017, đây là hai trong số những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới xét về khối lượng giao dịch.

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Nhập khẩu ồ ạt khiến giá hồ tiêu Ấn Độ giảm gần 50%




Năm 2017, ước tính có 40.000 tấn hồ tiêu được nhập khẩu vào Ấn Độ theo con đường chính ngạch và bất hợp pháp, trong đó có khoảng 36.000 tấn được nhập từ Việt Nam và Sri Lanka. Con số này gấp đôi mức nhập khẩu trung bình hàng năm của Ấn Độ trong vài năm gần đây (khoảng 20.000 tấn/năm), Ủy ban Gia vị Ấn Độ cho biết.

Nhập khẩu ồ ạt khiến giá hồ tiêu Ấn Độ giảm gần 50% và chính phủ buộc phải ấn định giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng này là 500 rupee/kg.
Tiêu nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ Việt Nam, tràn ngập trên các thị trường tiêu thụ tại Ấn Độ và kết quả là, giá tiêu nội địa giảm xuống dưới 390 rupee/kg.

Hồ tiêu nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Ấn Độ


Việt Nam là mối đe dọa lớn nhất của ngành hồ tiêu Ấn Độ. (Ảnh minh họa)
Hindu Business Line trích số liệu thương mại cho biết, Ấn Độ đã nhập khẩu trực tiếp 16.281 tấn tiêu đen từ Việt Nam. Ngoài ra, ước tính có 3.000 tấn tiêu Việt Nam được nhập khẩu vào Ấn Độ thông qua Sri Lanka nhưng không được ghi nhận trong số liệu xuất khẩu chính thức của Sri Lanka. Theo số liệu chính thức từ quốc đảo này, xuất khẩu hồ tiêu sang Ấn Độ đạt 13.5000 tấn trong 10 tháng đầu năm 2017; còn trong hai tháng cuối năm, con số ước tính là 2.000 tấn.
Tại sao tiêu giá rẻ vẫn tràn ngập thị trường Ấn Độ dù chính phủ đã áp thuế nhập khẩu tối thiểu?

Một điều đáng chú ý, sau khi áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng hồ tiêu, thị trường vẫn ghi nhận tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu của Sri Lanka và đơn vị nhập khẩu của Ấn Độ nhập tiêu Sri Lanka với giá 500 rupee/kg và bán với giá 390 rupee/kg. “Giải mã” giao dịch này, theo tìm hiểu của giới truyền thông Ấn Độ thì các doanh nghiệp đã thay đổi cách thức giao dịch, đó là phía bán sẽ xuất hóa đơn cho lô hàng tiêu xuất đi theo đơn giá 500 rupee/kg, sau đó sẽ hoàn lại phần chênh lệch cho bên mua bằng tiền mặt.

Thậm chí, chính phủ Sri Lanka còn tạo điều kiện để doanh nghiệp giải phóng các lô hàng tiêu xuất khẩu từ Sri Lanka trong vòng 48 giờ, thay vì tối thiểu một tuần đến 10 ngày như trước, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết. “Rõ ràng, chính phủ Sri Lanka đang ‘tiếp tay’ cho các doanh nghiệp xuất khẩu để bán lượng tiêu thừa ế sang Ấn Độ với giá thấp hơn 8% để thu về 4.700 – 4.800 USD,” ông nói.

Ngoài Sri Lanka, tiêu Việt Nam còn được nhập khẩu vào Ấn Độ thông qua Papua New Guinea, Myanmar, Bangladesh và Nepal. Ngoài ra, ước tính có 4.000 tấn tiêu được nhập lậu vào Ấn Độ, quan chức này cho biết thêm.

Kết quả là, tiêu nhập khẩu giá rẻ tràn ngập trên các thị trường tiêu thụ chính tại Ấn Độ và hiện tượng này đã kéo giá tiêu nội địa giảm xuống dưới 390 rupee/kg, theo thông tin từ ông Sunil Kumar, một nông dân ở Sakleshpur.

Trên thực tế, viễn cảnh này đã được ông MS Swaminathan, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Nông nghiệp, An ninh lương thực và dinh dưỡng Ấn Độ dự báo trước trong năm 2006. “Mối đe dọa thực sự mà các doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu nội địa đang phải đối mặt chính là tiêu nhập khẩu giá rẻ từ Việt Nam…” ông Swaminathan cho biết.

Theo đó, ông Swaminathan đưa ra chiến lược “một mũi tên trúng hai đích” để bảo vệ nông dân trồng tiêu của Ấn Độ. Chiến lược ngắn hạn này đòi hỏi chính phủ phải đưa ra một mức thuế nhập khẩu phù hợp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề nhập khẩu tiêu giá rẻ. Trong đó, Việt Nam là mối đe dọa lớn nhất đối với Ấn Độ vì nước này được cho là đang xuất khẩu hồ tiêu với mức giá thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường quốc tế.

Vũ Thắng

Nguồn: http://vietnambiz.vn/viet-nam-la-moi-de-doa-lon-nhat-cua-nganh-ho-tieu-an-do-45642.html

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Điều tra bổ sung dấu hiệu Phạm Công Danh 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

Chủ đề: http://vietnambiz.vn/tags/tran-ngoc-bich-16349.tag
Có 6 vấn đề cần được làm rõ trong vụ án Phạm Công Danh và Trầm Bê cùng đồng phạm gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng tại 4 ngân hàng gồm VNCB, Sacombank, BIDV, TPBank.

Nguồn: http://vietnambiz.vn/dieu-tra-bo-sung-dau-hieu-pham-cong-danh-lua-dao-chiem-doat-tai-san-45382.html

.
Trầm Bê
HĐXX cho biết, do thiếu chứng cứ để chứng minh theo quy định Luật dân sư, không thể bổ sung tại phiên tòa được. HĐXX quyết định trả hồ sơ bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm khác.

Thứ nhất, việc điều tra bổ sung nhằm làm rõ các vấn đề qua quá trình xét hỏi, các bị cáo khẳng định không quen biết bị cáo Phạm Công Danh, khi cho vay không biết được các công ty vay làm gì mà chỉ biết các công ty này do Phạm Công Danh giới thiệu, các bị cáo thùa nhận có sai sót nhưng không cố ý. Việc này chưa chứng minh được nên HĐXX cần điều tra xem xét.

Thứ hai, tại phiên tòa, bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang thừa nhận có gặp bàn bạc nhưng bàn bạc về việc vay tiền chứ không có mục đích nào khác. Trầm Bê thừa nhận gặp bị cáo Danh là theo quy trình vay tín dụng, việc sai sót là vấn đề nghiệp vụ cấp dưới. Việc phê duyệt là theo chủ trương, không biết mục đích thực sự của bị cáo Danh vay tiền. Qua 2 yêu cầu trên, cần xem xét khách quan toàn diện vụ án để đàm bảo tuyên đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

HĐXX đề nghị xem xét khách quan các vấn đề trên
Thứ ba, đối với cán bộ ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định cho Công ty Phong Hiệp vay, cáo trạng của VKSND tối cao TP HCM cho rằng các bị cáo bị cáo vi phạm khoản 3 điều 126 Luật các TCTD. Tuy nhiên trong quá trình xét hỏi, VKS xác định lại vi phạm khoản d điều 127 Luật TCTD. HĐXX đề nghị xem xét vấn đề này.

Thứ tư, cần điều tra bổ sung để xác định dòng tiền 6.126 tỷ đồng sử dụng cho những mục đích nào. Trong quá trình xét hỏi có dấu hiệu Phạm Công Danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại tòa, khi xác định tiền vay tại các ngân hàng, cần điều tra làm rõ việc Phạm Công Danh và đồng phạm có chiếm đoạt tài sản này hay không, nếu có thì là bao nhiêu, thời điềm xảy ra vụ án.

Thứ năm, trong phần tranh luận, VKS đề nghị thu hồi 6.126 tỷ đồng từ ba ngân hàng (Sacombank, BIDV và TPBank) để trả lại cho CBBank. Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị xem xét dòng tiền vay từ các ngân hàng, nếu xét là vật chứng thì thu hồi. Hiệp hội ngân hàng cho rằng nếu chấp thuận thu hồi thì gây ảnh hưởng tới thị trường tài chính. HĐXX thấy cần làm rõ Phạm Công Danh có hành vi cố ý làm trái nào, vi phạm quy định nào, trên cơ sở đó cần xét rõ làm căn cứ thu hồi.

Thứ sáu, tại phiên tòa, bị cáo Phạm Công Danh và luật sư bào chữa đề nghị xem xét 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ,có nguồn gốc từ khoản vay BIDV. Số tiền này được chuyển về VNCB nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý. HĐXX xét thấy 4.500 tỷ đồng này được chuyển về VNCB và dùng cho VNCB. Như vậy, Phạm Công Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái như cáo trạng hay không? Có gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng cho VNCB không? HĐXX cho biết cần xác định trong trường hợp cụ thể này cần làm rõ VNCB thiệt hại số tiền này ra sao.

Từ các vấn đề nêu trên, HĐXX nhận thấy cần xác định trong trường hợp cụ thể, VNCB thiệt hại bao nhiêu tiền, cần xem xét bảo đảm đánh giá của NHNN và Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm bị bắt, nếu có.

Do xét thấy thiếu chứng cứ trên, HĐXX quyết định trả lại hồ sơ cho VKS Nhân dân tối cao.