VCSC cho rằng phương án phát hành riêng lẻ 15% vốn của BIDV sẽ được thông qua trong năm 2018 và mức giá phát hành dự kiến là 38.500 - 40.000 đồng/cp.
|
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ảnh: BIDV). |
Mức giá phát hành riêng lẻ của BIDV vào khoảng 38.500 - 40.000 đồng/cp
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 15% (sau phát hành) của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) sẽ được thông qua trong 6 tháng cuối năm.
Diễn biến tích cực của giá cổ phiếu thời gian qua cho thấy thị trường kỳ vọng sự thành công của đợt phát hành vốn, loại bỏ rào cản khó khăn nhất để áp dụng Basel II trong toàn hệ thống vào năm 2020.
Đặc biệt, diễn biến mạnh mẽ gần đây của giá cổ phiếu BID, với giá trung bình 10 phiên đạt 33.500 đồng (tăng khoảng 50% kể từ ngày 5/07/2018, với P/B hiện tại 2,13 lần), VCSC kỳ vọng mức định giá phù hợp cho đợt phát hành tăng vốn này sẽ vào khoảng 38.500 - 40.000 đồng/cp. Tương ứng với mức chênh lệch cao hơn khoảng 15 - 20%.
Nếu phương án phát hành riêng lẻ được thực hiện sẽ cải thiện tình trạng vốn thiếu hụt tại BIDV, đưa CAR hợp nhất (theo Basel I) từ 10,8% (CAR tính riêng > 9%) lên 13,6% với giả định giá chào bán là 40.000 đồng/cp.
|
Diễn biến giá cổ phiếu BID trong 6 tháng gần nhất (Nguồn: VNDIRECT) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9, thị giá cổ phiếu BID dừng ở mức 34.200 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên liên tiếp đạt gần 3 triệu cổ phiếu.
Theo thông báo mới đây nhất từ BIDV, ngân hàng sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông trong khoảng thời gian từ 15/10 - 30/10/2018. Mặc dù nội dung xin ý kiến chưa được ngân hàng công bố nhưng nhiều khả năng liên quan đến kế hoạch tăng vốn.
NIM tăng trưởng nhờ cơ cấu bán lẻ tăng cao
VCSC cũng cho rằng việc thúc đẩy NIM và thu hồi từ nợ đã xử lý sẽ là yếu tố dẫn dắt chính cho tăng trưởng lợi nhuận. Năm 2018 tăng trưởng thu nhập ngoài lãi ước đạt tỷ lệ 30,3% chủ yếu nhờ lãi từ chứng khoán kinh doanh & đầu tư (tăng 33,1%) và thu hồi nợ đã xử lý (tăng 34%).
Công ty này dự báo tăng trưởng tích lũy 3 năm tới của BIDV là 23% cho danh mục tín dụng bán lẻ và SME, đưa tỷ trọng của hai phân khúc này này lên tổng cộng 69% dư nợ cho vay khách hàng vào năm 2020. Cơ cấu cho vay bán buôn BIDV ở mức thấp nhất trong các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Cùng với đó, chi phí huy động sẽ giảm phụ thuộc vào nợ thứ cấp trong khi tỷ lệ CASA sẽ cải thiện đạt 19,6% vào năm 2020.
Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy sau tăng vốn của BIDV sẽ vẫn duy trì ở mức cao là 18 lần, đòi hỏi ngân hàng cần tiếp tục phát hành thêm vốn thứ cấp trong tương lai. Ngoài ra, với bối cảnh giá trị tài sản phục hồi hiện nay và cải cách pháp lý, chúng tôi ước tính thu hồi từ nợ đã xử lý sẽ tăng nhanh với tỷ lệ tăng trưởng tích lũy là 25%.
Chất lượng tài sản ở mức trung bình
VCSC đánh giá chất lượng tài sản của BIDV vẫn ở mức khiêm tốn. Do đó, việc tập trung phát triển mảng SME là cần thiết để hướng đến một nền kinh tế ổn định hơn.
Mức tăng mạnh 45% so với cùng kỳ trong lãi dự thu được lý giải một phần bởi mức tăng 41% trong danh mục trái phiếu Chính phủ trong 6 tháng 2018. Trong khi đó, các khoản phải thu trên tổng cho vay khách hàng giảm còn 1% trong 6 tháng 2018 (so với 2,1% năm 2017).
Ngoài ra, khoản dự phòng cụ thể giảm 4% tính từ đầu năm, cho thấy ngân hàng lạc quan hơn với chất lượng tín dụng hiện nay, dù tỷ lệ nợ được xử lý trên tổng cho vay khách hàng của BIDV tiếp tục tăng trong quý II/2018, với con số trong 6 tháng 2018 là 1,1%.
Dự kiến, năm 2018, chi phí dự phòng dự kiến sẽ tăng 19,4% lên 17.700 tỷ đồng, tương đương 36,5% tổng thu nhập từ hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu thấp tại mức 1,5%, số trái phiếu đặc biệt VAMC cuối năm 2018 dự kiến sẽ giảm 40% so với 2017 còn 5.800 tỷ đồng.