Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Shark Tank Việt Nam chỉ ra hàng loạt yếu điểm của dự án cà phê nhượng quyền


Ông Nguyễn Xuân Phú hỏi về tình hình tài chính của Rain Coffee. Hải Long cho biết, Rain Coffee đã hoạt động 3 năm. Vào năm đầu tiên, công ty đầu tư vào thị trường 500 triệu đồng và thu về số tiền khoảng 200 triệu đồng - bao gồm hơn 80 triệu đồng từ các cửa hàng cà phê, 30 triệu đồng từ các sản phẩm phụ trợ như túi thơm, cà phê làm đẹp. Phần doanh thu còn lại phát sinh từ việc chuyển giao thương hiệu cà phê cho đối tác.

Hải Long nhấn mạnh, các cửa hàng của Rain Coffee bán cà phê với giá 20.000 đồng một cốc. Ngoài ra, cửa hàng còn bán những loại thức uống, đồ ăn nhanh khác và trưng bày một số sản phẩm phụ trợ.


Trong năm thứ hai, Rain Coffee đẩy mạnh phát triển cửa hàng nhượng quyền. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng nhượng quyền dao động 25 – 30 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, các cửa hàng chưa có lợi nhuận như công ty dự tính. Tổng doanh thu công ty năm thứ hai đạt khoảng 300 triệu đồng.

Đỗ Ngọc Hòa – Người sáng lập Công ty Cổ phần Rain Coffee cùng bạn đồng hành Nguyễn Hải Long – Giám đốc Tài chính & Marketing công ty Rain Coffee kêu gọi số tiền 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Năm gần nhất, doanh thu Rain Coffee đạt gần 800 triệu đồng , lợi nhuận chiếm 10% doanh thu, tương đương 80 triệu đồng.

Đến nay, Đỗ Ngọc Hòa đã đầu tư 2 tỷ đồng vào Rain Coffee.

Hai nhà đầu tư Nguyễn Xuân Phú và Thái Văn Linh từ chối rót vốn vì chưa thấy điểm khác biệt của dự án nhượng quyền Rain Coffee.

Doanh nhân Trần Anh Vương cho rằng 10 cửa hàng Rain Coffee chỉ đạt 800 triệu đồng doanh thu là quá thấp, không thể có lãi. Ông cũng chỉ ra một rủi ro tiềm ẩn là nếu một cửa hàng đã nhượng quyền không đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm thì tai tiếng sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi thương hiệu Rain Coffee. Bởi vậy, ông Vương quyết định không đầu tư.

“Rain Coffee mất 400 triệu đồng để mở một cửa hàng cà phê. Mỗi năm, cửa hàng đó có lợi nhuận 15 triệu đồng. Như vậy, các bạn mất 30 năm mới thu về được vốn ban đầu”, ông Lê Đăng Khoa nói. Ông Khoa từ chối tham gia thương vụ.

Cho rằng định hướng kinh doanh của Rain Coffee chưa rõ ràng, sẽ mất rất nhiều thời gian để nhân rộng mô hình công ty, nhà đầu tư cuối cùng - ông Phạm Thanh Hưng - cũng lắc đầu trước Rain Coffee.

“Những lời nhận xét từ các nhà đầu tư sẽ là kim chỉ nam của Rain Coffee trong thời gian tới”, Hải Long chia sẻ trước khi ra về.

Nguồn: http://vietnambiz.vn/ca-map-shark-tank-viet-nam-chi-ra-hang-loat-yeu-diem-cua-du-an-ca-phe-nhuong-quyen-46916.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.