TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Chu Minh Ngọc (SN 1976, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và 12 đồng phạm ra xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Xem thêm tin tức ngân hàng mới nhất tại đây https://vietnambiz.vn/tai-chinh/ngan-hang
Nhiều ngân hàng "sập bẫy"
Theo cáo trạng, Chu Minh Ngọc là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp (CIMCO). Bên cạnh đó, Ngọc còn thành lập thêm Công ty TNHH vật tư kỹ thuật TMC (Cty TMC), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị Tam Sơn (Cty Tam Sơn) và Công ty xuất nhập khẩu CIM (Cty CIM). Những công ty trên, Ngọc cho Hà Trùng Dương và Nguyễn Hải Cường đứng tên làm giám đốc, còn thực tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này đều do Ngọc chỉ đạo, điều hành.
Năm 2010 - 2011, Công ty của Ngọc kinh doanh thua lỗ, không có khả năng thanh toán nợ vay đến hạn tại các ngân hàng. Túng làm liều, Ngọc nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Thăng Long (OCB Thăng Long)…
Tài liệu điều tra thể hiện, ngày 20/10/2010, Ngọc ký Đơn xin vay vốn gửi OCB Thăng Long xin vay 100 tỷ đồng, mục đích vay để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh của CIMCO. Kèm theo đơn xin vay vốn là Điều lệ, báo cáo tài chính, phương án kinh doanh của CIMCO. Những hồ sơ này thực tế không có thật mà được Ngọc chỉ đạo Lê Thị Hương (Kế toán trưởng CIMCO) lập khống, không đúng với tình hình kinh doanh của CIMCO.
Sau khi nhận đơn, ngày 28/10/2010, OCB Thăng Long, đại diện là bà Đỗ Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh, sau này là Vũ Đức Thực) ký hợp đồng tín dụng hạn mức cho CIMCO vay 100 tỷ đồng, thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất theo từng thời điểm giải ngân. Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là Nhà máy sản xuất ống thép đang được xây dựng (chưa quyết toán tại Khu công nghiệp Đại An, Hải Dương) và hàng hóa là thép các loại hình thành từ vốn vay.
Để được OCB Thăng Long giải ngân theo từng Khế ước nhận nợ, Ngọc đã chỉ đạo Hương lập Giấy đề nghị giải ngân kèm theo các Hợp đồng mua bán thép khống cùng hóa đơn giá trị gia tăng giữa CIMCO và các bên bán là các công ty: Cty Tam Sơn, Cty TMC… Sau đó, OCB Thăng Long và Ngọc ký Hợp đồng cầm cố tài sản hình thành từ vốn vay.
Ngoài ra, để có tiền trả nợ Ngân hàng TMCP An Bình – Chi nhánh Hà Nội, Ngọc đã bàn bạc và nhờ Davis Tuấn (đại diện của Công ty Metalloyd, Vương quốc Anh tại Việt Nam) ký hợp đồng mua thép của Cty CIM và sau đó lại ký hợp đồng bán chính số thép này cho CIMCO. Mỗi tấn thép, Công ty Metalloyd được hưởng phí 5-6 USD/tấn. Toàn bộ số hồ sơ trên được Ngọc dùng để vay vốn OCB Thăng Long… Tổng số tiền OCB Thăng Long đã giải ngân là hơn 253 tỷ đồng và hơn 210.000 USD.
Sau đó, Ngọc yêu cầu nhân viên chuyển lại số tiền được giải ngân cho ông ta để dùng vào việc thanh toán nợ các khoản vay không có khả năng thanh toán trước đó và chi phí hoạt động của các công ty. Cơ quan chức năng xác định, Ngọc đã lừa đảo, chiếm đoạt của các ngân hàng tổng số tiền là hơn 132 tỷ đồng.
Được các "sếp" ngân hàng "tiếp sức"
Theo cáo trạng, giúp Ngọc chiếm đoạt tiền của ngân hàng, ngoài những người làm thuê cho ông ta, còn có nhiều sếp lớn của các ngân hàng. Tài liệu điều tra thể hiện, quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn và hồ sơ giải ngân của CIMCO đối với các hợp đồng hạn mức tín dụng, Vũ Đức Thực (nguyên Giám đốc OCB Thăng Long), Hoàng Văn Đông (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp OCB Thăng Long)… đã có những hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Thực trên cương vị Giám đốc OCB Thăng Long đã ký 27 khế ước cho CIMCO vay hơn 221 tỷ đồng và hơn 210.000 USD để mua hơn 23 nghìn tấn thép. Tài sản đảm bảo cho từng khế ước nhận nợ là thép hình thành từ vốn vay. Quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của CIMCO, Thực đã không đánh giá đúng khả năng tài chính, khả năng trả nợ khi cho CIMCO vay vốn, không kiểm soát được tài sản đảm bảo. Khi CIMCO không trả được nợ khoản vay trước, Thực vẫn chỉ đạo lập, ký tờ trình thay đổi bổ sung điều kiện tín dụng đối với công ty này, tiếp tục đề nghị gia hạn thực hiện hợp đồng tín dụng; ký giải ngân mà không bổ sung tài sản bảo đảm…
Tương tự, Đông đã không đánh giá hết khả năng tài chính, khả năng trả nợ khi cho CIMCO vay vốn, không kiểm soát được tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, Đông còn ký tờ trình bổ sung, thay đổi điều kiện tín dụng đối với CIMCO không nêu rõ công ty này không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm; kiểm tra, tiếp nhận, quản lý tài sản đảm bảo không đúng quy định của OCB. Hành vi vi phạm của các bị cáo đã dẫn đến hậu quả làm ngân hàng bị Ngọc chiếm đoạt tiền tỷ…
TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tuy nhiên, trong phần thủ tục, do vắng mặt của một vị đại diện Viện kiểm sát, vắng mặt một luật sư và vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.